Đánh thuế tài sản nhà ở: Nỗi lo và tranh cãi

TTO – Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng mang dấu hiệu đầu cơ, lướt sóng và đánh thuế tài sản nhằm ổn định thị trường bất động sản.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở. Thực tế, dù mới là 1 văn bản lấy ý kiến về việc có cần xây dựng về thuế tài sản với nhà ở hay không, chưa phải là 1 đề xuất, càng chưa phải là một dự thảo mà đã khiến thị trường hoang mang, nhiều lo ngại nếu thêm loại thuế này sẽ đẩy giá nhà ở tăng cao, cơ hội sở hữu nhà của người dân càng thêm khó.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ với lý do chống đầu cơ, tăng giá, kiểm soát tham nhũng thì có nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế trong bối cảnh hiện nay không những khó khả thi mà có thể gây hiệu ứng ngược.

Nỗi lo “thuế chồng thuế”

Thuế chồng thuế là một trong những nguy cơ đầu tiên mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ ra khi đánh giá về đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở mà Bộ Tài chính đang đưa ra để lấy ý kiến các bộ, ngành.

“Thuế là một công cụ rất hiệu quả nhưng nếu công cụ sai lại tác hại ghê gớm nên phải cân đối mọi thứ và phải phải nhìn vào tổng thể. Nếu áp thuế tài sản thì phải giảm tiền sử dụng đất xuống và cần có lộ trình để không gây sốc cho thị trường”, Chủ tịch HoREA đề xuất.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho hay hiện nay Việt Nam đang áp dụng nhiều khoản thuế, phí, liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Ông đã lấy ví dụ về tiền sử dụng đất, về bản chất cũng là một loại thuế tài sản mà chủ sở hữu mảnh đất phải nộp cho Nhà nước. Nếu bổ sung thêm thuế tài sản mà vẫn giữ các loại thuế cũ sẽ dẫn tới thuế chồng thuế.

Bộ Tài chính lấy ý kiến cho đề xuất đánh thuế tài sản nhà ở
Bộ Tài chính lấy ý kiến cho đề xuất đánh thuế tài sản nhà ở

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, giá nhà ở trên thị trường sẽ tiếp tục tăng cao nếu phải gánh thêm thuế tài sản bởi mọi loại thuế, phí cuối cùng đều “chạy” vào giá thành. Khi đó, những đối tượng khách hàng cuối cùng, gồm cả người mua và người thuê, sẽ chịu thiệt. Đồng nghĩa, mục tiêu giảm nhiệt thị trường nhà ở và bảo vệ người có thu nhập thấp của thuế tài sản sẽ khó đạt được.

“Vì thuế tài sản hàng năm nặng nề mà nhiều người có thể phải tạm gác lại nhu cầu mua nhà để chuyển sang đi thuê. Việc áp thuế nếu thực hiện sẽ làm thị trường bất động sản trầm lắng trong giai đoạn tới”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản có sức ảnh hưởng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, xi măng, sắt thép, tài chính, ngân hàng…

Có công bằng khi đánh thuế?

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở. Tháng 4/2018, Bộ này từng đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, nhưng do vấp phải sự phản ứng của dư luận, đề xuất đã bị thu hồi. Gần đây, tình trạng sốt đất diễn ra khắp nơi, ý tưởng về đánh thuế tài sản tiếp tục được Bộ Tài chính xới lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thực tế của nước ta hiện nay, việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2, thứ 3… để ngăn đầu cơ là không dễ dàng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, ở Việt Nam hiện nay chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là “tài sản”, là “căn nhà”, “căn nhà thứ 2” “căn nhà thứ 3”… Hơn nữa, quy định thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ…

Bên cạnh đó, không thể đánh đồng ngôi nhà vài chục trăm triệu đồng với căn biệt thự cả vài chục tỷ đồng, cũng như không thể đánh thuế ngôi nhà thứ hai, thứ ba của một chủ sở hữu mà tổng giá trị của chúng không bằng một góc nhà của “đại gia” trên cùng địa bàn nhưng không phải chịu thuế do đây là ngôi nhà thứ nhất.

Tranh cãi về việc đánh thuế
Tranh cãi về việc đánh thuế

“Đặc biệt, với những tài sản ‘của chìm’, giá trị lớn mà người sở hữu gửi ở nước ngoài hay không khai báo, thì có bị đánh thuế hay không và chế tài cho các vi phạm sẽ ra sao?. Chưa kể, việc thu thuế tài sản rất dễ là cơ hội cho tham nhũng trong ngành thuế, cả do các đối tượng thu thuế và người đi thu thuế bắt tay, cố tình khai báo giả để trốn thuế”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.

Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy các ngành nghề kinh doanh khác, theo quy luật tự nhiên, luồng vốn xã hội sẽ chảy vào đây thay vì đổ dồn vào BĐS. Khi đó, ngân sách sẽ có đa dạng nguồn thu chứ không chỉ chăm chăm trông chờ vào BĐS. Đây mới là cách để giải quyết tận gốc vấn đề.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc sử dụng cookie của chúng tôi.