Kinhtedothi – Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thống nhất việc định hướng quy hoạch, phát triển khu vực Nam Vân Phong, thuộc Khu kinh tế Vân Phong với chức năng là đô thị công nghiệp, cảng biển, logistics.
Đô thị công nghiệp, cảng biển, logistics
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có thông báo kết luận cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, nghe báo cáo Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kết luận nói trên, ngày 11/11, Thường trực Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã làm việc nghe đơn vị tư vấn (Công ty tư vấn BCG, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia – VIUP), nghe báo cáo việc lập Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Ngô Viết Nam Sơn – Cố vấn trưởng quy hoạch tỉnh; kiến trúc sư Nguyễn Trần Lang (tham dự trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội – PV); đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Sau khi nghe ý kiến của Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, đơn vị tư vấn báo cáo; ý kiến tham gia của kiến trúc sư Nguyễn Trần Lang, Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên và Cố vấn trưởng quy hoạch tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa kết luận, về cơ bản thống nhất việc định hướng quy hoạch phát triển khu vực Nam Vân Phong với chức năng là đô thị công nghiệp, cảng biển, logistics.
Liên quan đến khu vực Nam Vân Phong, tháng 7/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án điện khí tại khu vực Nam Vân Phong vào quy hoạch điện Quốc gia với tổng công suất khoảng 15.000MW. Trong đó, giai đoạn 2023 – 2025 có công suất 1.500MW; giai đoạn 2025 – 2030 khoảng 6.000MW; giai đoạn 2030 – 2040 đạt 7.500MW.
Đây là những dự án đã có các doanh nghiệp đăng ký đầu tư, như Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Millennium (Mỹ), Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum (Mỹ), Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương Mại Tuấn Dung và Công ty TNHH Tài Tâm, Công ty J-Power (Nhật Bản).
Ngoài ra, Khánh Hòa cũng kiến nghị bổ sung một dự án kho cảng đầu mối khí hóa lỏng (LND) với công suất khoảng 17 triệu m3 khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu tại khu vực phía Nam Vân Phong vào quy hoạch năng lượng Quốc gia. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 là 1 triệu m3, giai đoạn 2025-2030 là 6 triệu m3, giai đoạn 2030-2040 là 6 triệu m3, giai đoạn sau 2040 là 4 triệu m3.
Theo UBND tỉnh này, nếu các dự án điện khí sớm được bổ sung vào quy hoạch sẽ là lợi thế rất lớn cho kêu gọi đầu tư; tạo động lực phát triển cho KKT Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Chưa thống nhất vị trí cảng trung chuyển quốc tế
Riêng việc quy hoạch định hướng chức năng của khu vực Bắc Vân Phong, Thường trực Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, tuy cơ bản đã được đơn vị tư vấn xác định nhưng vẫn chưa đạt được sự thống nhất chung, vẫn còn ý kiến khác nhau giữa đơn vị tư vấn, cố vấn trưởng quy hoạch, các chuyên gia đối với việc quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Bắc Vân Phong…
Vì vậy, nhằm bảo đảm đầy đủ cơ sở, thông tin, luận cứ cần thiết để lãnh đạo tỉnh đang xem xét, cân nhắc hai phương án.
Cụ thể, phương án 1: Kết hợp hài hòa giữa việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Bắc Vân Phong theo quy hoạch cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phát triển du lịch.
Phương án 2: Không phát triển Cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Bắc Vân Phong (đề xuất chuyển qua khu vực Nam Vân Phong phù hợp hơn – PV) và tập trung ưu tiên phát triển đô thị du lịch thật sự đẳng cấp tại khu vực này để tránh xung đột về môi trường.
Thường trực Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung nghiên cứu, đề xuất giúp tỉnh phương án tối ưu, hiệu quả nhất trong 2 phương án nêu trên.
Trong đó, phải đánh giá so sánh về hiệu quả của từng phương án cụ thể, dựa trên việc phân tích dữ liệu thực chứng, tất cả các yếu tố liên quan về kinh tế – xã hội, kỹ thuật, cơ hội phát triển, không gian phát triển… để giúp cho Khu kinh tế Vân Phong có hướng phát triển đột phá, bền vững, khả thi trong thời gian tới.
Thường trực Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cũng thống nhất với ý kiến của đơn vị tư vấn là việc lập quy hoạch phải gắn với việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch được lập khi triển khai trong thực tế.
Lãnh đạo tỉnh ủy Khánh Hòa cũng cho biết, hiện đã có nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Sun Group và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đã đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong.
Thường trực Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh sớm làm việc với hai nhà đầu tư nói trên, để nghe báo cáo ý tưởng đề xuất cụ thể, qua đó xem xét, lựa chọn phương án khả thi và tối ưu, giúp cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới; lưu ý, phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, minh bạch giữa các nhà đầu tư tham gia đề xuất và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.