Quy hoạch Nha Trang trong 20 năm tiếp theo sẽ như thế nào?

Quy hoạch Nha Trang đến năm 2040: UBND TP. Nha Trang đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) quy hoạch. Tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh quy hoạch chia thành phố Nha Trang thành 14 phân khu chức năng, trong đó mở rộng thêm một phần của huyện Diên Khánh.

Theo đó, định hướng phát triển không gian đô thị tổng thể TP. Nha Trang đến năm 2040 là nâng cao chất lượng và giá trị các không gian đô thị hiện có, phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía Bắc, Tây Bắc, phía Tây, phía Nam và phía Đông. Theo điều chỉnh quy hoạch này, thành phố sẽ chia làm 14 phân khu chức năng.

Khu vực được quy hoạch xây cầu nối Khu đô thị An Viên với đường Nguyễn Tất Thành.
Khu vực được quy hoạch xây cầu nối Khu đô thị An Viên với đường Nguyễn Tất Thành.

Phạm vi của đồ án có tổng diện tích khoảng 27.802 ha, bao gồm:

Hơn 25.422 ha diện tích TP. Nha Trang hiện nay;

Khoảng 1.500 ha diện tích bảo tồn sinh cảnh, sinh thái ngập mặn và phát triển đô thị, dịch vụ trên mặt biển;

880 ha thuộc 3 xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp và thị trấn Diên Khánh của huyện Diên Khánh.

 

TP. Nha Trang sẽ được quy hoạch thành 14 phân khu chức năng, mở rộng về cả 4 phía, trong đó có một phần huyện Diên Khánh hiện nay
TP. Nha Trang sẽ được quy hoạch thành 14 phân khu chức năng, mở rộng về cả 4 phía, trong đó có một phần huyện Diên Khánh hiện nay

TP. Nha Trang sẽ được quy hoạch thành 14 phân khu chức năng, mở rộng về cả 4 phía, trong đó có một phần huyện Diên Khánh hiện nay
TP. Nha Trang sẽ được quy hoạch thành 14 phân khu chức năng, mở rộng về cả 4 phía, trong đó có một phần huyện Diên Khánh hiện nay

Quy hoạch Nha Trang: khu vực đô thị trung tâm

Phân khu 1: Xương Huân, Vạn Thạnh, Lộc Thọ, Phước Tiến;

Phân khu 2: khu vực sân bay Nha Trang cũ và vùng phụ cận;

Phân khu 3: các phường Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên;

Phân khu 4: khu vực phía Tây đường Lê Hồng Phong;

Phân khu 5: khu đô thị ven biển, phía Đông đường sắt – từ Bắc sông Cái đến Mũi Kê Gà;

Phân khu 6: khu vực từ phía Nam núi Cô Tiên (nhỏ) đến phía Bắc núi Hòn Ngang.

Điểm đáng chú ý của khu vực đô thị trung tâm sẽ điều chỉnh thiết kế công viên ven biển phục vụ hoạt động vui chơi, giao lưu công cộng, tắm biển; xây dựng cảng quốc tế Nha Trang có khả năng đón tàu du lịch quốc tế; ga Nha Trang sẽ phát triển công viên gắn với bảo tàng. Riêng khu vực sân bay Nha Trang cũ sẽ có quảng trường Đại Dương vượt qua đường Trần Phú.

Quy hoạch Nha Trang: khu vực đô thị phía Tây

Khu đô thị phía tây gồm các xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) và xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp (huyện Diên Khánh). Đáng chú ý, khu vực này sẽ định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo, công nghệ cao, trung tâm y tế, vườn ươm doanh nghiệp… ở khu vực xã Diên An, Diên Toàn và xã Suối Hiệp với quy mô khoảng 220Ha. Xây dựng ga đường sắt mới với quy mô 38 ha, kết nối với các loại hình giao thông khác trên đường Võ Nguyên Giáp.

Quy hoạch Nha Trang: khu vực đô thị phía Nam

Khu vực phía nam bao gồm phân khu 9 gồm khu vực đồng trũng phía Nam đường Phong Châu và khu vực núi phía Tây sông Tắc;

Phân khu 10 gồm khu vực Phước Đồng – Hòn Rớ – phía Bắc núi Cù Hin;

Phân khu 11 gồm khu vực Đồng Bò – Trảng É.

Khu vực này đáng chú ý có cầu nối An Viên qua cửa Bé về đường Nguyễn Tất Thành, xây dựng khu du lịch sinh thái trên núi Cù Hin – tạo thành điểm đến giao lưu văn hóa, tâm linh quốc tế và phục vụ phát triển du lịch…

Cầu bắc qua cửa sông Quán Trường từ Khu đô thị An Viên qua Hòn Rớ nối với đại lộ Nguyễn Tất Thành
Cầu bắc qua cửa sông Quán Trường từ Khu đô thị An Viên qua Hòn Rớ nối với đại lộ Nguyễn Tất Thành

Quy hoạch Nha Trang: khu vực đô thị phía Bắc

Khu vực phía bắc có các phân khu 7 và 8 gồm khu vực đô thị phía Bắc sông Cái và khu vực Hòn Nghê;

Phân khu 12 gồm khu vực phía Tây Bắc Quốc lộ 1 thuộc xã Vĩnh Phương;

Phân khu 13 gồm khu vực xã Vĩnh Lương – phía Bắc núi Hòn Ngang.

Ngoài ra, khu vực vịnh Nha Trang thuộc phân khu 14 sẽ bổ sung các quỹ đất dịch vụ du lịch, công viên chuyên đề – Sân solf khu vực phía Đông Bắc đảo Hòn Tre; bảo tồn, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên dưới nước, trên các đảo, đặc biệt là cảnh quan núi tự nhiên, rạn san hô, rừng ngập mặn, khu vực có cỏ biển , bãi rùa đẻ…

Cần quy hoạch theo cách để thành phố Nha Trang phát triển bền vững

Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, mục tiêu của quy hoạch lần này là phát huy thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế thông qua nâng cấp chất lượng không gian và du lịch đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác bền vững tài nguyên du lịch hiện có với nét nổi bật là chuỗi không gian ven biển, đảo, bán đảo và không gian sinh thái,… bước đầu trở thành một thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Quá trình phát triển Nha Trang và vùng phụ cận sẽ không tránh khỏi những mặt tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường, nếu không kiểm soát tốt sẽ ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, ngoài việc quy hoạch đồng bộ thì phải có các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc (nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa) cho rằng quy hoạch điều chỉnh mới sẽ đưa Nha Trang trở thành trung tâm khu vực nhưng cần chú ý đến việc phát triển bền vững. Phát triển cần song hành với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên của vịnh Nha Trang; bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan sinh thái núi, phát huy được giá trị đặc sắc của đô thị tựa núi, hướng biển…

Phòng ngừa sạt lở đất tại thành phố Nha Trang

Bà Phạm Thị Huệ Linh – Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cho biết trong các giai đoạn quy hoạch tiếp theo và khi triển khai dự án đầu tư, địa phương cần thực hiện khảo sát địa chất chi tiết để có các biện pháp phòng ngừa và loại trừ nguy cơ sạt lở đất; không xây dựng công trình ở những khu vực có nguy cơ sạt lở.

Đối với các khu vực không có nguy cơ sạt lở, chỉ quy hoạch đất thương mại, dịch vụ đối với các dự án mới theo hướng thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên và bảo đảm mật độ xây dựng tối đa không quá 10%.

KỲ NAM | Người Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc sử dụng cookie của chúng tôi.